“Từ ao làng ra biển lớn”
“BIỂN LỚN KHIẾN CHÚNG TA SỢ NHƯNG TA PHẢI NHẢY XUỐNG MỚI BIẾT NƯỚC NHƯ THẾ NÀO, MẶN HAY NGỌT, NÔNG HAY SÂU,…”
Nếu là một nhà sử học, một nhà chính trị, bạn sẽ nói như thế nào về vấn đề hội nhập, gìn giữ văn hóa và dấn thân phấn đấu? Bạn sẽ dùng hình ảnh nào minh họa cho quá trình hội nhập này? Cùng nghe những chia sẻ thú vị từ nhà sử học Dương Trung Quốc, chắc chắn những hình ảnh mà ông đưa ra sẽ giúp bạn hiểu hơn mình cần phải làm gì vào lúc này.
Có nhất thiết phải đi ra ngoài mới là hội nhập?
Ngày càng nhiều các bạn trẻ có mong muốn đi du học tại các quốc gia khác nhau trên thế giới. Đó là cách các bạn tiếp cận và hòa nhập với văn hóa của nhân loại toàn cầu. Không thể phủ nhận việc sinh viên Việt Nam nhanh chóng và dễ dàng tiếp nhận và hòa nhập vào những nên văn hóa đó là con đường ngắn nhất để các bạn trở thành những công dân toàn cầu trong thời đại mới.
Tuy nhiên đó không phải là cách duy nhất bạn chứng minh cho mọi người thấy về sự hội nhập của mình. Bởi một mặt khác của quá trình hội nhập với thế giới đó là làm sao gìn giữ và phát huy được bản sắc dân tộc giữa muôn vàn những nét văn hóa hiện đại khác. Hay nói cách khác đó là phải “chiến thắng các đối thủ ngay trên sân nhà”. Không thể đánh mất những tinh hoa của dân tộc bởi những giá trị văn hóa xứ người nhưng vẫn cho thấy được sự hiện đại và đồng đều với các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới. Làm được điều đó là bạn đã hòa mình vào với thế giới, cùng hội nhập với bạn bè năm châu mà chẳng cần phải đi đâu xa.
Học cách gìn giữ giá trị văn hóa dân tộc
Như vừa nói ở trên, cách hội nhập hay nhất hiện nay đó là tìm ra cách nâng cao giá trị văn hóa dân tộc nhưng vẫn không “lạc bước” giữa những hiện đại và hấp dẫn của văn hóa thế giới đương đại. Đó là bài toán là trách nhiệm của những người trẻ. Các bạn được học tập và tiếp thu những kiến thức sâu rộng khắp thế giới, các bạn được đi đây đi đó, tìm hiểu và khám phá những điều thú vị của khắp nơi. Nhưng điều quan trọng bạn có được sau những hành trình đó là gì? Đó là tìm ra được những điểm đặc biệt ở mình và nâng cao giá trị đó lên để bạn bè cùng biết đến. Đừng vì chạy theo những hào nhoáng của xã hội hiện đại mà đánh mất đi cái cổ kính, truyền thống và tự nhiên vốn có của dân tộc mình, điều mà nhiều nước phát triển đang mong muốn lấy lại được.
Hãy học cách gìn giữ văn hóa dân tộc từ bạn bè quốc tế, để xem cách họ bảo vệ và phát huy những giá trị độc đáo đó và tìm ra cách đi cho riêng mình.
Đừng mãi chỉ ở ao làng mà hãy dám ra biển lớn để biết cuộc đời như thế nào
Sau nhưng chia sẻ về việc hội nhập và gìn giữ văn hóa dân tộc, nhà sử học Dương Trung Quốc đã đưa ra ra hình ảnh về “ao làng nhỏ” và “biển lớn” để nói so sánh về hình ảnh thách thức trong thời đại hội nhập ngày nay. Nếu các bạn trẻ chỉ cứ mãi muốn những điều an toàn, quen thuộc nơi “ao làng nhỏ” thì sẽ chẳng thể nào biết được “biển lớn” mênh mông kia có những gì.
Ông nói: “nếu như cho rằng cái ao làng nhỏ còn biển lớn khiến chúng ta sợ thì chúng ta đều phải nhảy xuống mới biết nước như thế nào, mặn hay ngọt, nông hay sâu…Do đó các bạn trẻ cần phải dấn thân”.
Ông đã lấy ví dụ về quá trình hội nhập của người Việt Nam từ cách đây 150 năm, khi lần đầu tiên những giá trị văn hóa Pháp ùa tới. Trong chuyến tới Pháp lần đầu tiên đó, những người Việt Nam đều cảm thấy rất bỡ ngỡ và từ chối hòa nhập với tất cả những nét văn hóa sở tại. Thế nhưng tới khi đã quen với nó rồi, họ trở nên thích thú và mong muốn mang được một phần văn hóa Pháp về phổ biến tại Việt Nam.
Đó là những gì ông cha ta đã làm hơn một thể kỷ trước, vậy các bạn trẻ hiện nay thì sao? Với những điều kiện thuận tiện hơn khi có cơ hội được học tập và tiếp xúc với vô vàn những tinh hoa văn hóa nhân loại, điều bạn cần làm ở đây đó là biết học hỏi để tạo ra phong cách riêng cho mình.